Khởi đi từ năm 2007, bầu Đức tạo nên làn sóng đào tạo trẻ mới, được xem như hình mẫu, tiên phong về tầm nhìn. Còn hiện tại chính khâu đào tạo trẻ của bầu Hiển đang thành công nhất!
Ngược dòng thời gian bóng đá Việt Nam, Thể Công đã từng là một thế lực lớn nhất của bóng đá chuyên nghiệp nước nhà. Không chỉ vậy, Lò Thể Công còn là cái nôi đào tạo ra rất nhiều thế hệ cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam. Bên cạnh Lò Thể Công, Lò SLNA cũng là một trung tâm đào tạo trẻ cực kỳ danh tiếng, lâu đời của bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, năm 2007 cùng HAGL cũng được xem là một cột mốc đặc biệt trong phong trào làm bóng đá trẻ nước nhà.
Phạm Tuấn Hải đoạt Quả bóng Bạc & “công trình” đáng kinh ngạc của bầu Hiển – Ảnh 1.” />
Hình ảnh bầu Đức cứ vãn việc kinh doanh là về Phố Núi, xem lứa trẻ của Học viện HAGL tập luyện, thi đấu rất truyền cảm hứng!
Trong khi Học viện HAGL của bầu Đức nhiều năm liền nổi đình nổi đám, với sản phẩm ấn tượng nhất là khóa một gồm những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… thì hàng loạt trung tâm đào tạo khác cũng nổi lên.
Ở đó, khâu đào tạo của Hà Nội FC không quá nổi bật về mặt danh tiếng trên mạng xã hội, trên các mặt báo… nhưng cho tới lúc này, nhìn nhận lại, hẳn nhiều người sẽ phải thốt lên kinh ngạc, rằng “công trình” trồng người của bầu Hiển thật ấn tượng, chất lượng biết bao.
Trước khi dứt áo rời Hà Nội FC, Quang Hải đã cúi người, cảm ơn công đào tạo, bồi đắp của bầu Hiển suốt nhiều năm qua.
Hà Nội FC, trước đó là Hà Nội T&T, thực tế mới chỉ thành lập từ năm 2006. Căn cơ không sâu nhưng rất nhanh chóng, CLB này đã trở thành một thế lực của bóng đá Việt Nam, trên mọi mặt trận, từ đội chuyên nghiệp đá V.League, tới các đội trẻ thi đấu các giải U quốc gia.
Vào tối qua, Phạm Tuấn Hải, cầu thủ 25 tuổi do Hà Nội FC đào tạo, đã đoạt QBB Việt Nam 2023. Thực tế, trong mắt nhiều NHM và chuyên gia bóng đá, thậm chí Tuấn Hải xứng đáng đoạt QBV, vì anh đã tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ trong năm 2023 không kém gì Nguyễn Hoàng Đức – người đã đoạt danh hiệu cá nhân cao quý nhất năm.
Bầu Đức cho tới ngày nay vẫn được xem là một ông bầu có tâm, có tầm khi vào năm 2007, ông tạm dừng việc dồn tất tay cho đội một cạnh tranh danh hiệu VĐQG để xây dựng học viện bóng đá HAGL, kết hợp với Arsenal JMG, để tạo nên “dây chuyền” đào tạo cầu thủ gắn mác “châu Âu”.
Trước Phạm Tuấn Hải, vào năm 2018, Nguyễn Quang Hải trở thành cầu thủ đầu tiên do Lò Hà Nội FC đào tạo đoạt QBV. Một năm trước đó, Quang Hải cũng đã đoạt danh hiệu QBĐ.
Sau Quang Hải, một cầu thủ “cây nhà lá vườn” khác của Hà Nội FC là Đỗ Hùng Dũng đã đoạt QBV Việt Nam năm 2019.
Với Phạm Tuấn Hải, anh còn trẻ và vẫn đang trên đà phát triển, được đánh giá cực cao ở cả CLB lẫn ĐTQG. Không loại trừ khả năng những năm tới, Tuấn Hải sẽ là cầu thủ thứ ba do lò đào tạo Hà Nội FC bồi đắp nên, đoạt QBV Việt Nam.
Không chỉ dồn dập đào tạo được các siêu sao đoạt QBV, QBB, ở bình diện chung, khâu đào tạo trẻ của Hà Nội FC còn bồi dưỡng nền rất nhiều cầu thủ xuất sắc. Hầu hết các CLB hiện đang thi đấu V.League, đều đang ít hoặc nhiều sở hữu các cầu thủ do lò Hà Nội FC đào tạo.
Cái hay nhất của Hà Nội FC đó là trong nhiều năm qua, họ không chỉ duy trì công tác đào tạo trẻ tốt mà còn sở hữu đội chuyên nghiệp cực mạnh. Đội chuyên nghiệp ấy là cái nôi để Hà Nội FC tiếp tục bồi dưỡng các ngôi sao trẻ sáng giá nhất trở thành các ngôi sao chuyên nghiệp đình đám.
Và nhiều cầu thủ tài năng từ các lò đào tạo khác, khi về với Hà Nội FC cũng được chắp cánh, để vươn tới đỉnh cao. Đấy là cựu thủ môn từ lò SLNA, Dương Hồng Sơn (QBV 2008), Phạm Thành Lương từ lò Hà Nội ACB (4 QBV, trong đó có 2 QBV năm 2014, 2016 với Hà Nội T&T), Nguyễn Văn Quyết từ lò Thể Công/Viettel (2 QBV năm 2020 và 2022).
Có thể nói, so với công tác đào tạo trẻ của bầu Đức, bầu Hiển giống như đi sau nhưng về trước. Và một điều rất quan trọng, đấy là với sự hậu thuẫn của bầu Hiển, Hà Nội FC vẫn đang hoạt động, phát triển cực kỳ bền vững cả ở đội chuyên nghiệp lẫn khâu đào tạo trẻ. Điều đó hứa hẹn việc, Hà Nội FC sẽ còn liên tục cống hiến cho bóng đá Việt Nam rất nhiều cầu thủ tài năng nữa.
Khi bóng đá Việt Nam ôm mộng dự VCK World Cup, rất nhiều năm qua, chúng ta đều nói phải lấy công tác đào tạo trẻ làm gốc, cần càng nhiều Lò đào tạo trẻ chất lượng càng tốt. Tính theo định hướng đó, mới thấy giá trị “công trình” trồng người của bầu Hiển quý giá, lớn lao tới nhường nào!
Mong rằng bóng đá Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều Lò đào tạo bóng đá chất lượng, như Hà Nội FC, như HAGL, như SLNA, như Viettel hay mới nhất là cả Bình Dương cũng tham gia cuộc chơi trẻ!