Người Việt ai cũng biết áo bà ba. Đặc biệt là dân Nam bộ thì ai cũng biết bởi đó gần như là trang phục hàng ngày của phụ nữ từ đầu làng đến cuối xóm.
Cái tên bà ba, cũng là điều tranh cãi rất nhiều, vì không rõ nguồn từ đâu, và có từ khi nào. Duy từ hai giả thuyết đáng tin cậy nhất, có thể thấy cái tên bà ba xuất phát từ nhà văn Sơn Nam, và hoàn toàn không liên quan gì đến các bà Tư hay bà Năm gì cả… Giả thuyết thứ nhất, với nhiều tài liệu cũ trước năm 1975 ghi rằng áo bà ba xuất hiện đầu tiên ở Nam bộ, vào nửa đầu thế kỷ 19, được học giả Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người dân đảo Pénang (người Malaysia gốc hoa) cho phù hợp với người Việt. Người ta tin rằng tên gọi chiếc áo bắt đầu từ hai chữ Baba-Nyonya. Người Baba-Nyonya , tiếng địa phương là Peranakan, có nghĩa là hậu duệ của những người nhập cư Trung Quốc đầu tiên đến định cư tại các thuộc địa của Anh trên Eo biển ở Malacca, Pénang và Singapore từ thế kỷ 16 đến 18. Baba là một từ tiếng Trung Quốc có nghĩa là ‘cha’ và dùng để chỉ nam giới. Nyonya xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha donha, ‘quý bà’, và dùng để chỉ phụ nữ. Có thể học giả Trương Vĩnh Ký đã thích thú trước cái áo rất dễ nhìn, dễ vận dụng trong đời sống làm việc lẫn sinh hoạt hàng ngày và mang về, chỉnh lại đôi chút cho người Việt.
Viết trong Văn minh miệt vườn, nhà văn Sơn Nam ghi rằng “Ở miệt vườn, kiểu quần áo bà ba là tiện lợi nhất, đồng thời quần áo bà ba cũng tiêu biểu cho sự trang nghiêm trong giới trung lưu… Áo bà ba gọn gàng, cởi ra mặc vào dễ dàng, giúp con người đi đứng khoan thai, ít câu thúc”. Điều đáng chú ý, luận điểm của nhà văn Sơn Nam nhắc về việc người dân miền Nam nói trại đi chữ Baba nguyên gốc thành áo bà ba. Tương tự như giả thuyết về học giả Trương Vĩnh Ký, nhà văn Sơn Nam cũng ghi “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”.
Sau năm 1975, có một vài nhà nghiên cứu từ phía Bắc vào, và phủ nhận nhận quan điểm này, và nói rằng người Mã Lai không có tộc nào tên Baba hay Babas cả. Thậm chí còn bịa ra câu chuyện là có một phụ nữa Nam Bộ nào đó chế ra kiểu áo này từ áo dài, và tệ hơn, có giả thuyết từ giới trí thức ấy, là áo bà ba được khởi đầu may tạo ra ba tà, nên có tên liên quan số 3. Miền Nam là vùng đất của tất cả những con người lam lũ và khởi đầu cuộc sống mở mang, khai hoang ở thế kỷ 18 và 19. Do đó có thể khẳng định rằng tất cả những hình thái ban đầu của chiếc áo bà ba, từ xưa đó cho đến nay, đã trải qua rất nhiều cải cách, dựa theo tính vận động và nghi thức lễ lạc của người miền Nam Việt Nam. Về sau nhiều tôn giáo và trang phục lễ nghi tôn giáo ở miền Nam cũng chấp nhận dùng áo bà ba, có nơi dùng áo bà ba nhưng khác màu sắc ngày thường. Vì sao áo bà ba trở nên phổ biến ở miền Nam? Có một giả thuyết khác từ sử liệu nói rằng khi chúa Nguyễn đời thứ 8, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), nắm quyền từ năm 24 tuổi, đã đặt ra nhiều cải cách về hành chính cũng như thay đổi y phục từ quan đến dân. Người dân ở phía Nam đã chọn kiểu áo bà ba với màu tối, dùng chung cho cả đàn ông và đàn bà như một cách ứng xử tiện gọn cho mình. Bên cạnh đó, giai đoạn chúa Nguyễn Phúc Khoát cầm quyền cũng là lúc hiềm khích giữa Đại Việt và Chân Lạp (tức triều đại cổ của người Khmer) ngày càng dâng. Đặc biệt là vua Nặc Nguyên chủ trương tấn công vào biên giới Đại Việt để hà hiếp, cướp bóc những tộc du cư đến Đại Việt như người Chăm, Mã Lai, Che Mạ (gọi chung là Côn Man) nên dân Việt hay mặc áo bà ba để phân biệt người mình.
Về mặt thẩm mỹ mà nói, cho đến hôm nay, áo bà ba là một loại trang phục hết sức đặc biệt của miền Nam: Áo đàn ông thì trang nghiêm, đĩnh đạc. Áo cho đàn bà thì thanh thoát duyên dáng – thậm chí còn rất quyến rũ khi phối dựng với chất liệu vải và kiểu may cổ và xẻ tà. Nguyên gốc áo bà ba vốn là áo không cổ – đó là sự khác biệt lớn giữa các trang phục có nét tương tự của các dân tộc khác. Thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống. Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. Tương tự như áo dài, áo bà ba có độ dài trùm qua mông, gần như bó sát thân làm tôn lên những đường cong tuyệt mỹ của cơ thể người phụ nữ. Trong bối cảnh Trung Quốc đang lấn và chiếm nhiều giá trị văn hóa của Việt Nam, để mô tả tính chất chịu ảnh hưởng của chư hầu, chiếc áo bà ba cũng đang bị dòm ngó, không khác gì kim chi hàn Quốc đang bị tiếm danh bởi Trung Quốc. Có tài liệu bậc tiến sĩ ở hà Nội, gần đây còn chứng minh áo bà ba là trang phục từ người Minh hương di cư đến miền Nam nên được lấy lại. Tài liệu gốc chứng minh thì được dẫn từ sách Trung Quốc.
Lịch sử Việt Nam từ sau 1975 đến nay đang bị nói lại, diễn giải lại hết sức duy ý chí, không thể không gọi làm đau lòng tiền nhân. Nhớ lại, dạy cho con cháu, những thứ đơn giản như tên gọi áo bà ba, cũng là một cách kính trọng tổ tiên Việt đã khai phá, và giữ lòng tự trọng của một người Việt Nam đứng ngoài nạn sính chữ điêu xằng.
Áo bà Ba, sao bà Tư lấy mặc?
Trong bài hát “Chiếc Áo Bà Ba” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, có câu mở đầu:
“Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm”.
hay bị mấy ông hát giỡn thành “Chiếc áo bà Ba, sao bà Tư lấy mặc?”
Nghe xong, cả bọn cười vui, nhưng lại có tên cắc cớ hỏi:
– Tại sao lại là áo… Bà Ba?
Thiệt ngộ! Như vậy chắc ngày xưa trong nhà các ông còn có áo cho Bà Cả, rồi mới tới Bà hai, rồi Bà Ba… Thật ra, chiếc áo có tên là “Bà ba” chẳng ăn nhập gì với mấy bà ở miền quê Nam bộ cả. Mà đúng ra, nguồn gốc của nó được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 18 hoặc đầu thế kỷ 19, từ Malaysia. Theo các nhà nghiên cứu, chữ “Bà Ba” có thể xuất phát từ chữ “Baba” trong ngôn ngữ Mã Lai. Và tại đất nước này, phụ nữ của họ có loại áo rất giống với áo Bà Ba mà họ gọi là “Kebaya”. Theo nhà văn Sơn Nam: “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”. (Wikipedia tiếng Việt).
Khi chiếc áo này đến Việt Nam, nó trở thành thông dụng, vì dễ may, dễ mặc, rất thích hợp cho mọi công việc của phụ nữ – từ buôn bán đến đồng áng. Nó thường được may với màu tối, mặc với quần đen, để đỡ lấm lem khi ra đường. Càng ngày, nó càng được cách tân, khiến người mặc chiếc áo này giống y hệt như mặc áo dài, nhưng bị cắt ngắn. Đã thế, người may còn chít bâu nhiều chỗ trên áo để tăng sự gợi cảm nơi vòng một của người mặc. Ngay từ thời xa xưa, áo bà ba được may cắt không có cổ. Và có thể đây chính là sự đổi mới của chiếc áo dài “hở cổ” trình làng vào năm 1962, mà người ta gọi là “Áo dài bà Ngô Đình Nhu”. Các cô “Người mẫu” ngày nay cũng ưa mặc áo Bà Ba với màu sắc sáng để dễ nổi bật khi chụp ảnh. Người ngoại quốc dễ lầm áo Bà Ba với loại áo ngủ. Thế nên ở Úc rất ít người mặc áo Bà Ba ra đường.